Các thức ăn dinh dưỡng cho bà bầu
1. Chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ
Dinh dưỡng tốt cho người mẹ khi mang thai là rất cần thiết cho sức khỏe của mẹ cũng như sự phát triển của bé từ trong bào thai tới khi trưởng thành. Nếu người mẹ khi mang thai không được đáp ứng đủ các chất dinh dưỡng thì thai nhi sẽ chậm phát triển do dinh dưỡng kém. Việc cải thiện tăng trưởng của bào thai và trẻ nhỏ có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ bệnh tật ở những giai đoạn muộn hơn của cuộc đời.
Người mẹ khi mang thai sẽ có sự thay đổi về trọng lượng cơ thể. Sự thay đổi này là do tăng cân ở người mẹ cùng với nhau thai và bào thai. Để đáp ứng nhu cầu thay đổi này người mẹ nên tăng trung bình từ 10 - 12kg trong thời kỳ mang thai.
2. Nhu cầu dinh dưỡng thai kỳ
Nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng cho bà bầu cao hơn khi chưa mang thai.
-
Năng lượng: Khi người mẹ mang thai 3 tháng giữa nên ăn nhiều hơn sao cho cung cấp năng lượng tăng khoảng 360 kcal/ngày, 3 tháng cuối nên tăng khoảng 475 Kcal/ngày
-
Protein: Nhu cầu protein cho bà bầu tăng 15g/ngày cho 6 tháng đầu và 18g/ngày cho 3 tháng cuối. Đạm có nguồn gốc từ động vật là thành phần chủ yếu trong đạm tổng số.
-
Chất béo : Nhu cầu cho bà bầu chiếm khoảng 20 -25% tổng số năng lượng tức khoảng 60g chất béo/ngày. Các chất béo không chỉ giúp tăng năng lượng mà còn giúp hoà tan các vitamin min tan trong dầu.
-
Vitamin: vitamin A (500mcg/ngày), vitamin D (5mcg/ngày), vitamin B12 (2.6mcg/ngày), Vitamin B1(1.4mg/ngày), vitamin C (80mg/ngày), folic (600mcg/ngày)
-
Chất khoáng: Canxi (1,000mg/ngày), sắt (tăng từ 15 - 30 mg/ngày so với khi chưa mang thai), Kẽm ...
3. Những thực phẩm bà bầu nên sử dụng
3.1. Sữa và các sản phẩm của sữa
Khi mang thai, người mẹ cần tiêu thụ thêm protein và canxi để đáp ứng nhu cầu cho thai nhi phát triển. Các sản phẩm sữa có chứa hai loại protein chất lượng cao đó là casein và whey. Ngoài ra, sữa còn là nguồn canxi tốt nhất trong chế độ ăn cùng với sự cung cấp lượng phốt pho, vitamin nhóm B, magie và kẽm cao.
Bổ sung sữa trong thai kỳ giúp cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất cần thiết cho mẹ bầu. Theo lời khuyên từ các chuyên gia, nhu cầu về dinh dưỡng của thai phụ trong thời kỳ mang thai tăng lên rất nhiều, vì vậy mẹ bầu nên uống 1-2 ly sữa mỗi ngày.
3.2 Thịt nạc – Thực phẩm tốt cho phụ nữ mang thai
Thịt là nguồn thực phẩm dồi dào protein, chứa chất sắt và vitamin B – rất cần thiết cho bà bầu. Nên đây được xem là thực phẩm tốt cho phụ nữ mang thai.
Cơ thể của phụ nữ cần lượng protein nhiều hơn khi mang thai (cần thêm khoảng 25gram/ngày) để giúp thai nhi phát triển và cơ thể mẹ được khỏe mạnh. Bên cạnh đó, bà bầu cũng rất cần bổ sung sắt. Nếu không cung cấp đủ khoáng chất này có thể làm giảm sự phát triển của bé và làm tăng nguy cơ sinh non, sinh thiếu cân.
Sắt đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tế bào máu ngăn ngừa bệnh thiếu máu thai kỳ. Trong thời gian mang thai, khối lượng máu trong cơ thể tăng lên (khoảng 27mg/ngày) vì vậy mẹ bầu cần bổ sung thịt nạc trong mỗi bữa ăn hàng ngày.
Ngoài ra, thịt nạc còn là nguồn thực phẩm dồi dào vitamin B6 cần thiết cho sự hình thành mô và phát triển trí não của em bé, đồng thời giảm tình trạng ốm nghén của mẹ; vitamin B12 giúp duy trì dây thần kinh khỏe mạnh.
3.3 Quả táo
Táo được xem là thực phẩm tốt cho phụ nữ mang thai. Vì trong quả táo có chứa những thành phần dinh dưỡng phong phú, đặc biệt là các loại vi chất, sinh tố, vitamin và axit hoa quả. Ngoài ra, táo còn chứa kali và các chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa bệnh ung thư và lão hóa ở con người.
Lượng canxi trong táo cũng cao hơn trong các loại hoa quả, giúp trung hòa lượng muối dư thừa trong cơ thể.
Táo không những có hương vị thơm ngon mà còn chứa những thành phần dinh dưỡng cần thiết để tạo thành xương và răng cho thai nhi và giúp bà bầu phòng ngừa hiện tượng mềm xương và bí tiểu. Bên cạnh đó, hương thơm của quả táo còn có tác dụng an thần cho bà bầu.
3.4 Trứng
Cho dù chế biến theo cách nào thì trứng vẫn là nguồn thực phẩm cung cấp protein dồi dào cho phụ nữ mang thai. Ngoài ra, trứng cũng giàu sắt, folate và choline rất quan trọng cho sự phát triển trí não của thai nhi và giảm nguy cơ khuyết tật ống thần kinh, chẳng hạn như tật nứt đốt sống.
Tuy nhiên, để có được những lợi ích trên, mẹ bầu nên ăn trứng thường xuyên, 3-4 quả/tuần và phải ăn cả lòng đỏ lẫn lòng trắng vì choline có trong lòng đỏ trứng.
3.5 Khoai lang
Khoai lang chứa đầy đủ các chất xơ, vitamin B6, kali (thậm chí nhiều hơn trong chuối), vitamin C, sắt cũng như đồng và beta-carotene – một chất chống oxy hóa mà cơ thể chuyển đổi thành vitamin A. Cần biết rằng vitamin A đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển mắt, xương và da của em bé.
Do đó, không có gì phải bàn cãi khi xếp khoai lang vào nhóm những thực phẩm vàng cho phụ nữ mang thai.
Bên cạnh đó, khoai lang cũng giúp bổ sung lượng sắt thiếu hụt của cơ thể trong thời gian mang thai. Nhiều bằng chứng khoa học còn khẳng định, khoai lang giúp bà bầu giảm triệu chứng táo bón – căn bệnh phổ biến khi bầu bí.
Bạn có thể thưởng thức khoai lang với những món ăn như nướng, chiên hoặc nghiền làm bánh.
3.6 Cá hồi
Trong danh sách thực phẩm tốt cho phụ nữ mang thai không thể bỏ qua cá hồi vì giàu chất béo omega-3 và protein.
Axit béo omega-3 (hay còn gọi là DHA và EPA) trong cá giúp não em bé phát triển và thông minh hơn. Đồng thời nhiều nghiên cứu còn chứng minh rằng, bổ sung đầy đủ dưỡng chất này trong thời gian mang thai giúp nâng cao kỹ năng vận động và tốt cho hệ thần kinh của trẻ. Omega-3 còn tốt cho sự phát triển mắt của em bé.
Bạn lo lắng sợ cá hồi sẽ chứa lượng thủy ngân cao? Tuy nhiên, hãy yên tâm nhé, vì cá hồi chứa lượng thủy ngân rất thấp và được coi là an toàn cho phụ nữ mang thai. Bà bầu nên ăn đủ 350gam/tuần để bổ sung đầy đủ dưỡng chất. Thêm vào đó, bạn có thể ăn thêm quả óc chó và hạnh nhân cũng chứa hàm lượng cao dưỡng chất omega-3.
3.7 Rau lá xanh
Rau lá xanh có chứa đầy đủ các chất chống oxy hóa và nhiều vitamin cần thiết cho cơ thể. Những loại rau lá xanh đậm nên có trong bữa ăn hàng ngày là rau bina, bông cải xanh, măng tây và cải xoăn.
Những loại rau này còn cung cấp canxi, chất xơ, kali, vitamin A và folate. Vitamin A trong rau lá xanh giúp phát triển thị lực , xương và da cho bé. Vì vậy, mẹ bầu đừng nên bỏ qua thực phẩm phổ biến và giàu dinh dưỡng này nhé.
3.8 Nước cam
Cam luôn được xếp trong nhóm thực phẩm tốt cho phụ nữ mang thai. Một ly nước cam mỗi ngày cung cấp cho bạn những dưỡng chất cần thiết như kali, axit folate, potassium và vitamin C để ngăn ngừa khuyết tật bẩm sinh sớm trong thai kỳ và đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh sau này. Vì vậy đừng quên bổ sung nước cam mỗi ngày.
Kali có trong nước cam cũng rất tốt trong quá trình trao đổi chất và bổ sung sức khỏe tổng thể cho bạn. Ngoài ra, nước cam còn là nguồn thực phẩm dồi dào Vitamin C – có tác dụng chống cảm lạnh, giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn và giúp cho răng cũng như xương em bé khỏe mạnh. Bạn cũng có thể nhận được nguồn vitamin C cao từ một loạt các loại trái cây khác thuộc họ cam quýt.
3.9 Các loại hạt
Khi mẹ bầu ăn các loại hạt dinh dưỡng như hạt bí, hạt chia, hạt óc chó, hạt mắc ca… sẽ cung cấp lượng lớn axit béo thiết yếu như omega 3, vitamin, protein, phốt pho, glucid… và nhiều khoáng chất tốt cho sự hình thành và phát triển trí não thai nhi. Đây là những thực phẩm vàng cho phụ nữ mang thai mà mẹ nên bổ sung thường xuyên trong suốt thai kỳ.
Axit folic có trong các loại hạt còn giúp phòng ngừa khuyết tật ống thần kinh cho thai nhi từ trong bụng mẹ.
3.10 Bí đỏ
Bí đỏ chứa hàm lượng các chất dinh dưỡng vô cùng phong phú, bao gồm: beta – carotene, canxi, chất xơ, selen, magie, kẽm… Còn có axit folic, omega 3 tốt cho sự phát triển trí não của thai nhi. Đồng thời ăn bí đỏ còn giúp mẹ giảm stress trong thời kỳ mang bầu.
Bên cạnh việc bổ sung những thực phẩm tốt cho phụ nữ mang thai, các mẹ bầu cũng cần lưu ý khám thai định kỳ theo đúng lịch để được kiểm tra, theo dõi tình trạng sức khỏe, cũng như sự phát triển của em bé.
Để được tư vấn thêm, hay đăng ký dịch vụ, xin vui lòng để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ trong thời giam sớm nhất.
Bài chung chuyên mục
- Bệnh trĩ ngoại – bạn cần biết những gì? (08/01/2024)
- Sỏi túi mật ở trẻ em: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị (05/01/2024)
- Phòng ngừa và tầm soát ung thư dương vật (04/01/2024)
- Tìm hiểu về các phương pháp phẫu thuật ruột thừa (03/01/2024)
- Gan nhiễm mỡ độ 2: Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa (31/12/2023)