Fanpage

Thói quen ăn thịt lợn tái khiến người đàn ông nhiễm sán

Nam bệnh nhân 40 tuổi, hay ăn thịt lợn luộc tái, nghĩ cách chế biến này giữ được độ ngọt và dinh dưỡng, đi khám phát hiện nhiễm sán.

Ngày 4/8, bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng âm ỉ vùng quanh rốn, kèm cảm giác châm chích, khó chịu vùng hậu môn, thi thoảng đại tiện ra đốt màu trắng giống sán.

Người đàn ông cho biết anh có thói quen ăn thịt lợn luộc còn màu hồng bên trong, nghĩ cách chế biến này giúp món ăn giữ lại tối đa dưỡng chất. Kết quả kiểm tra cho thấy bệnh nhân bị nhiễm sán dây trưởng thành, được chỉ định điều trị thuốc đặc trị sán. Theo bác sĩ Thiệu, thói quen ăn thịt lợn luộc chưa chín kỹ khiến người đàn ông bị nhiễm sán.

Bệnh sán dây trưởng thành phân bố rải rác nhiều nơi trên toàn quốc, tỷ lệ nhiễm dao động 0,5-12%; trong đó, tỷ lệ nhiễm sán dây bò là chủ yếu chiếm 70-80%, sán dây lợn 10-20%.

Sán lợn (hay còn gọi là sán heo, sán toán) phần lớn sống trong gan của lợn. Khi thịt lợn còn tái, trứng và nang sán lợn có thể vẫn tồn tại và lây lan qua đường ăn uống. Khi vào cơ thể con người, chúng có thể di chuyển trong gan và túi mật, gây những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như viêm gan mạn tính, viêm túi mật, sưng gan và giảm chức năng gan. Sán lợn xuống ruột non gây ra viêm ruột, tiêu chảy, đau bụng.

Các triệu chứng của nhiễm sán lợn bao gồm mệt mỏi, đau thắt ngực, ăn không tiêu, giảm cân đột ngột.

Bác sĩ nhận định ngoài món thịt lợn luộc tái, nhiều món ăn khác như phở bò tái, bò tái nhúng lẩu, bò bít tết, nem chua đều tiềm ẩn nguy cơ. Để phòng bệnh, người dân cần tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi. Với thịt lợn, khi luộc cần kiểm tra kỹ, đảm bảo thịt chín đều, không còn màu hồng; mua sản phẩm từ nguồn đáng tin cậy, đã được kiểm tra và chứng nhận an toàn.

Phòng Khám Bình Điền

Để được tư vấn thêm, hay đăng ký dịch vụ, xin vui lòng để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ trong thời giam sớm nhất.