Fanpage

Sợ cầm thức ăn do rối loạn ám ảnh cưỡng chế

John Junior, 34 tuổi, sợ cầm thức ăn bằng tay, luôn mang theo chiếc kẹp thực phẩm để gắp mọi thứ, kể cả súp, được chẩn đoán bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).

Anh chia sẻ bản thân phát triển nỗi sợ hãi kỳ lạ này sau khi ăn món thịt gà nấu không ngon khoảng 10 năm trước. Việc ăn bằng kẹp khiến Junior cảm thấy an toàn.

"Tôi biết điều này thật lố bịch, nhưng đó là suy nghĩ ám ảnh trong đầu tôi. Chúng ta vẫn cần ăn để tồn tại, đây là cách duy nhất giúp tôi giải quyết vấn đề", anh cho biết.

Bác sĩ chẩn đoán Junior mắc hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, một tình trạng sức khỏe tâm thần khiến người bệnh có những suy nghĩ, ám ảnh, sợ hãi phi lý. OCD có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi và giới tính. Người bệnh xuất hiện triệu chứng ngay từ khi 6 tuổi, song đa số bắt đầu ở tuổi dậy thì và trưởng thành.

Người bị OCD thường xuyên gặp phải các suy nghĩ mang tính ám ảnh, hành vi cưỡng chế. Nỗi ám ảnh này liên tục xuất hiện trong tâm trí, gây cảm giác lo lắng, ghê tởm hoặc khó chịu. Cưỡng chế là hành vi, hành động lặp đi lặp lại nhằm giảm bớt cảm giác khó chịu đó.

Ví dụ, một người ám ảnh sợ trộm cảm thấy cần kiểm tra tất cả cửa sổ, cửa ra vào nhiều lần trước khi ra khỏi nhà, dù chúng đã được khóa. Phụ nữ đôi khi bị OCD sau khi mang thai hoặc sinh con. Các nỗi lo thái quá về việc khử trùng bình sữa của em bé, mối đe dọa từ môi trường lặp lại nhiều lần, ảnh hưởng đến cuộc sống. Những phụ nữ này thường liên tục kiểm tra nhịp tim, nhịp thở của trẻ.

Các nỗi sợ phổ biến khác của bệnh OCD là sợ ô nhiễm, vi trùng, bụi bẩn. Nhiều người không thể chịu nổi khi thấy những thứ lộn xộn, bất đối xứng, không theo thứ tự. Để giảm bớt cảm giác này, họ có hành động lặp đi lặp lại như giặt đồ nhiều lần, liên tục đếm, kiểm tra mọi thứ, rửa tay liên tục, tuân thủ một thói quen nghiêm ngặt. Bệnh nhân đôi khi có suy nghĩ hung hăng, mất kiểm soát, tự làm hại bản thân và người khác.

Junior lần đầu sử dụng kẹp để gắp thức ăn năm 2013. Nỗi sợ hãi của anh càng lớn hơn trong đại dịch. Cũng ở giai đoạn này, anh quyết định thành lập kênh Tiktok để chia sẻ nhận thức về căn bệnh OCD mà bản thân và nhiều người mắc phải. Đoạn video anh ăn uống bằng chiếc kẹp đã thu hút tới 700.000 lượt xem.

"OCD rất khắc nghiệt và đáng sợ. Hãy mạnh mẽ lên, bạn sẽ vượt qua được những suy nghĩ xâm chiếm. Bạn không đơn độc", một người bình luận đồng cảm.

Người cầu toàn và người mắc chứng OCD có điểm khác biệt rõ rệt. Người cầu toàn thường đòi hỏi kết quả hoặc hiệu suất công việc hoàn hảo. OCD không chỉ đơn giản là những lo lắng thái quá về cuộc sống. Nỗi ám ảnh lặp lại khiến người bệnh khó chịu, mất ngủ, trầm uất, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.

Để điều trị hội chứng OCD, các bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân thực hiện liệu pháp nhận thức hành vi, giúp bệnh nhân đối mặt với nỗi sợ và suy nghĩ ám ảnh. Một số người được dùng thuốc chống trầm cảm, giúp thay đổi sự cân bằng hóa chất trong não bộ.

Phòng Khám Bình Điền

Để được tư vấn thêm, hay đăng ký dịch vụ, xin vui lòng để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ trong thời giam sớm nhất.