Phát hiện ung thư giai đoạn cuối từ dấu hiệu đau bụng
Người phụ nữ 53 tuổi, tiền sử khỏe mạnh, đau bụng hạ sườn trái âm ỉ, khi khám phát hiện ung thư đại tràng di căn.
Ngày 12/7, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Khoa Ung bướu 1, Bệnh viện Bãi Cháy, thông tin kết quả nội soi, chụp CT ổ bụng cho thấy đại tràng sigma có khối u sùi kích thước lớn, gây tổn thương gan trái. Kết quả sinh thiết xác định bệnh nhân bị ung thư đại tràng.
Ê kíp cắt đoạn đại tràng có khối u cùng vùng tổn thương di căn gan, nạo vét hạch. Hậu phẫu, sức khỏe người phụ nữ ổn định, được hóa trị bổ trợ.
Bác sĩ nhận định ca mổ phức tạp do ung thư đại tràng giai đoạn cuối di căn đến cơ quan trọng yếu là gan, đòi hỏi phẫu thuật viên phẫu tích chuẩn xác, kiểm soát tốt các nguy cơ như chảy máu, rò bục miệng nối, nhiễm trùng vết mổ. Mặt khác, đây là trường hợp điển hình của ung thư đại tràng, thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, do các dấu hiệu tiến triển âm thầm, mơ hồ, dễ nhầm lẫn với bệnh khác.
Ung thư đại trực tràng là một trong những loại ung thư hay gặp trên thế giới và Việt Nam, số ca tăng nhanh qua từng năm. Ghi nhận từ Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), hàng năm nước ta phát hiện hơn 14.000 ca mới và hơn 7.500 ca tử vong do căn bệnh. Đây là loại ung thư đứng thứ 5, sau gan, phổi, dạ dày và vú. Dự báo đến năm 2025, số ca ung thư đại trực tràng xếp thứ hai ở nam và thứ 4 ở nữ.
Bệnh liên quan mật thiết tới chế độ ăn uống và sinh hoạt. Ngoài ra, ung thư đại trực tràng có tỷ lệ di truyền rất cao, thường gặp ở người mắc bệnh lý đa polyp và hội chứng Lynch. Với bệnh lý đa polyp có yếu tố gia đình, tỷ lệ di truyền cho thế hệ sau lên tới 80%.
Bệnh ở giai đoạn đầu rất khó phát hiện, các triệu chứng dễ bị nhầm lẫn bệnh khác. Những dấu hiệu cảnh báo thường là máu trong phân, hoặc đàm nhớt trong phân, thay đổi về tính chất và hình dạng (như phân dẹt hơn bình thường, có mùi tanh bất thường), thay đổi thói quen đại tiện (đi tiêu lắt nhắt, táo bón hoặc tiêu chảy). Bên cạnh đó là tình trạng suy nhược, mệt mỏi, sụt cân không rõ lý do, đau bụng hoặc khó chịu vùng bụng dưới, nôn ói, xuất hiện khối u ở vùng bụng, bụng to dần.
Theo bác sĩ Dũng, ung thư đại tràng thường xâm lấn, di căn tới gan, phổi, hạch bạch huyết, buồng trứng, não, xương, trong đó gan và phổi là hai cơ quan hay gặp do có hệ thống mạch máu khá dày đặc, tốc độ máu chảy chậm, tạo điều kiện thuận thuận lợi cho tế bào ung thư dễ bám dính và phát triển khối u mới.
Tỷ lệ bệnh nhân ung thư đại tràng di căn gan chiếm cao nhất với khoảng hơn 70%. Mục tiêu của điều trị ung thư đại tràng di căn gan là giảm đau, giảm triệu chứng, kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
Bác sĩ khuyến cáo người dân nên định kỳ khám sức khỏe, nội soi dạ dày, đại trực tràng, đặc biệt là những người trên 40 tuổi để tầm soát, phát hiện sớm các bệnh lý ung thư đường tiêu hóa. Đặc biệt chú ý đến các biểu hiện bất thường như rối loạn tiêu hóa kéo dài, sụt cân bất thường, đại tiện ra máu, mệt mỏi, suy nhược.
Để được tư vấn thêm, hay đăng ký dịch vụ, xin vui lòng để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ trong thời giam sớm nhất.
Bài chung chuyên mục
- Tắc ruột bởi miếng gân bò (06/01/2024)
- Bé 15 tháng tuổi nguy kịch sau uống nhầm dầu hỏa (05/01/2024)
- Mẹ bỉm sữa 'lột xác' nhờ gym và ăn thâm hụt calo (04/01/2024)
- Chạy theo 'dáng Trung Hoa', nhiều chị em phải rút sụn, hạ sống mũi (03/01/2024)
- Lở loét do tự dùng máy cắt bao quy đầu (02/01/2024)