Ngủ 2 giờ mỗi đêm, người phụ nữ nhập viện tâm thần
Người phụ nữ 42 tuổi mất ngủ gần một năm nay, mỗi đêm chỉ ngủ được 2-3 tiếng, chập chờn, phải nhập viện tâm thần điều trị.
Bệnh nhân là giáo viên ở Hải Dương, tiền sử khỏe mạnh. Tình trạng mất ngủ kéo dài khiến cô mệt mỏi nhiều, đau đầu, khó tập trung vào công việc, lơ đãng, dễ nổi cáu, ăn kém ngon miệng, sụt 2 kg trong hai tháng. Nhiều lần học sinh hỏi bài nhưng cô không chú ý.
Bác sĩ Phạm Công Huân, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), chẩn đoán bệnh nhân mắc chứng rối loạn giấc ngủ, phải nhập viện điều trị. Sau 7 ngày dùng thuốc kết hợp với liệu pháp thư giãn luyện tập, vệ sinh giấc ngủ, trị liệu tâm lý, tình trạng của bệnh nhân cải thiện, mỗi tối ngủ được 5-6 tiếng, ngủ sâu giấc hơn.
Chiều 25/9, bác sĩ Đoàn Thị Huệ, Phó Trưởng phòng M8, Viện Sức khỏe tâm thần, cho biết rối loạn giấc ngủ là tình trạng liên quan đến các vấn đề về chất lượng, thời gian và số lượng giấc ngủ khiến người bệnh mệt mỏi vào ban ngày và suy giảm chức năng. Có nhiều dạng rối loạn giấc ngủ, trong đó mất ngủ là phổ biến nhất.
Những năm gần đây, khoảng 80% bệnh nhân đến viện khám được phát hiện rối loạn giấc ngủ liên quan tới sự căng thẳng trong cuộc sống như mất ngủ, rối loạn nhịp thức ngủ, ác mộng. Trong đó 5-7% trường hợp mất ngủ nặng có trầm cảm, lo âu; gần 15% trầm cảm.
Nguyên nhân mất ngủ có thể liên quan đến nhiều vấn đề bệnh lý mạn tính, như bệnh tim và tiểu đường. Đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh thể chất hoặc các bệnh lý hệ thần kinh, như suy tim sung huyết, viêm xương khớp và bệnh Parkinson... Ngoài ra, một số bệnh nhân mất ngủ do sử dụng thuốc hay các tác nhân khác như rượu, caffeine...
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hường lưu ý để có giấc ngủ ngon thì không nên ngủ quá 30 phút vào buổi trưa. Tạo thói quen đi ngủ vào một giờ cố định. Chỉ sử dụng giường cho việc ngủ, tránh ăn uống, làm việc, xem tivi, điện thoại trên giường.
Buổi tối không nên ăn quá no trước khi đi ngủ, nên ăn tối trước khi ngủ 3 tiếng. Tránh ăn nhiều đồ dầu mỡ chiên rán vì dễ dẫn đến đầy bụng khó tiêu. Tránh sử dụng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu bia, trà. Tránh ánh sáng xanh từ tivi, điện thoại vì có thể làm mất ngủ.
Cố gắng giảm áp lực căng thẳng, thực hành các hoạt động giúp thư giãn trước giờ đi ngủ như bài tập thở, thiền. Thể dục thường xuyên hằng ngày cũng giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Để được tư vấn thêm, hay đăng ký dịch vụ, xin vui lòng để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ trong thời giam sớm nhất.
Bài chung chuyên mục
- Tắc ruột bởi miếng gân bò (06/01/2024)
- Bé 15 tháng tuổi nguy kịch sau uống nhầm dầu hỏa (05/01/2024)
- Mẹ bỉm sữa 'lột xác' nhờ gym và ăn thâm hụt calo (04/01/2024)
- Chạy theo 'dáng Trung Hoa', nhiều chị em phải rút sụn, hạ sống mũi (03/01/2024)
- Lở loét do tự dùng máy cắt bao quy đầu (02/01/2024)