Nam ca sĩ Hàn mắc bệnh ung thư chỉ gặp ở một trên 10 triệu người
Ca sĩ Nam Woo Hyun mắc khối u mô đệm đường tiêu hóa (GIST), chỉ gặp ở một trên 10 triệu người, xảy ra khi các tế bào trở nên bất thường và phát triển ngoài tầm kiểm soát.
Trong cuộc phỏng vấn với Korea Times, nam ca sĩ Nam Woo Hyun của nhóm nhạc Infinite cho biết anh mắc khối u mô đệm đường tiêu hóa (GIST) và phải phẫu thuật vào tháng 4. Anh thẳng thắn chia sẻ về ảnh hưởng của căn bệnh đối với sự nghiệp hiện tại.
"Đây là dạng ung thư cực kỳ hiếm gặp, chỉ một trên 10 triệu người mắc. Trường hợp của tôi phải phẫu thuật, vì vậy tôi đã nhanh chóng hoàn thành các sự kiện và buổi biểu diễn cho người hâm mộ vào tháng 1 và tháng 2, trước ca mổ", anh nói.
Sau khi phẫu thuật, anh cần kiêng uống nước ba tuần và có một vết sẹo dài 20 cm trên bụng, thậm chí phải gắn túi máu. Hiện tại, sức khỏe của nam thần tượng ổn định. Tuy nhiên, bác sĩ chẩn đoán có thể anh sẽ không lấy lại được khả năng ca hát. Woo Hyun cho biết hành trình âm nhạc của bản thân sẽ khó khăn hơn gấp 4 đến 5 lần, bởi hiện tại việc hô hấp vẫn còn khá chật vật.
Theo Cleveland Clinic, khối u mô đệm đường tiêu hóa là tình trạng hiếm gặp, xảy ra khi các tế bào trở nên bất thường và phát triển ngoài tầm kiểm soát. Thông thường, các tế bào sinh ra, phân chia và chết đi để giữ cơ thể khỏe mạnh. Đôi khi quá trình này xảy ra lỗi, các tế bào không chết mà tiếp tục nhân lên, tạo ra các khối u.
Bệnh có thể bắt đầu ở bất cứ vị trí nào trong đường tiêu hóa, từ thực quản đến hậu môn. Hơn một nửa số ca bệnh bắt đầu từ dạ dày, số còn lại hầu hết là ruột non.
Một số khối u nhỏ và lành tính, số khác có thể lớn hơn và/hoặc dễ phát triển thành ung thư. Một số bệnh nhân không có triệu chứng, những người khác thường xuyên ốm yếu hoặc xuất huyết.
GIST rất hiếm gặp ở những người dưới 40 tuổi. Một số bệnh nhân thuộc dạng tự phát, số khác di truyền từ gia đình. Các chuyên gia chưa thống kê số ca mắc GISTS toàn thế giới. Tại Mỹ, ước tính có khoảng 4.000 đến 6.000 trường hợp mỗi năm.
Các triệu chứng của khối u mô đệm đường tiêu hóa là chán ăn, mệt mỏi, đau bụng, giảm cân, nôn ra máu, có máu trong phân, tắc ruột, khó nuốt.
Ung thư có thể phát triển theo từng giai đoạn phức tạp, được chẩn đoán dựa trên 4 yếu tố: kích thước khối u nguyên phát; tình trạng di căn đến các hạch bạch huyết lân cận; sự lây lan sang khu vực khác của cơ thể, chẳng hạn gan, xương, phổi; tốc độ phát triển và phân chia của tế bào ung thư.
Để xét nghiệm, bệnh nhân thường được chỉ định nội soi tìm vị trí khối u, sinh thiết (lấy một phần khối u), chụp cắt lớp (CT).
Để điều trị GIST, một số người cần phẫu thuật, như trường hợp của ca sĩ Nam Woo Hyun. Tuy nhiên, khi khối u đã quá lớn hoặc lan sang các khu vực khác, phẫu thuật là không đủ. Bác sĩ thường chỉ định sử dụng imatinib, loại thuốc nhắm mục tiêu điều trị ung thư trúng đích.
Thuốc hoạt động bằng cách gắn vào protein KIT (liên quan đến sự phát triển của khối u) và ngăn chặn tế bào ung thư di căn. Thuốc có thể thu nhỏ khối u ở khoảng 85% bệnh nhân.
Tác dụng phụ phổ biến nhất của liệu pháp này là buồn nôn, tiêu chảy, táo bón, chuột rút cơ bắp, mệt mỏi, thay đổi về tóc hoặc da.
Theo Viện Ung thư Quốc gia, tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm của GIST là 83%. Điều này có nghĩa 83% số bệnh nhân từng được chẩn đoán ung thư vẫn sống sau 5 năm. Con số thậm chí cao hơn (93%) khi GIST khu trú và chưa lan sang các vùng khác của cơ thể. Tuy nhiên, nếu khối u đã lan đến các vị trí xa, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 55%.
Để được tư vấn thêm, hay đăng ký dịch vụ, xin vui lòng để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ trong thời giam sớm nhất.
Bài chung chuyên mục
- Bữa trưa chống lão hóa của tỷ phú Mỹ (04/01/2024)
- Sống sót sau 6 ngày mắc kẹt trong xe tải (03/01/2024)
- Nước đầu tiên cung cấp thuốc miễn phí cho người dân (02/01/2024)
- Liệt dây thanh quản sau khi mắc Covid-19 (23/12/2023)
- Tìm thấy mục tiêu mới điều trị hiệu quả ung thư (22/12/2023)