Fanpage

Cách virus biến đổi và tạo ra các biến chủng mới

Trong quá trình nhân lên, virus tạo ra một số lỗi sao chép, gọi là đột biến, từ đó hình thành các biến chủng mới.

Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 không còn là đại dịch, các biến chủng mới của nCoV tiếp tục xuất hiện. Omicron phân nhánh, phát triển thành hàng trăm phiên bản phụ, có tốc độ lây nhiễm nhanh chóng hơn, được xác định ở Trung Quốc, Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nơi trên thế giới.

Về mặt khoa học, virus không phải sinh vật sống. Chúng cần một vật chủ để tồn tại, giống với các tế bào. Khi virus xâm nhập cơ thể, chúng sẽ sinh sản, lây lan và đột biến.

Tất cả virus đều biến đổi, nhưng không phải lúc nào cũng ở cùng một tốc độ. Càng nhiều virus lưu hành trong một cộng đồng dân cư, chúng đột biến càng nhanh chóng.

Khi một virus nhân lên, các gene của nó tạo ra "lỗi sao chép" ngẫu nhiên (tức là đột biến gene). Theo thời gian, những lỗi sao chép này dẫn đến thay đổi về kháng nguyên hoặc protein bề mặt virus. Hệ miễn dịch của người sử dụng các kháng nguyên để nhận biết và chống lại virus. Nhằm thích nghi, virus biến đổi và trốn tránh hệ miễn dịch. Hiện tượng này gọi là "trôi dạt kháng nguyên", tức là bề mặt của virus đã đột biến khác với virus ban đầu, thể hiện rõ ràng nhất ở mầm bệnh cúm.

Trôi dạt kháng nguyên là một trong những lý do khiến giới khoa học phải cập nhật vaccine cúm hàng năm để theo kịp virus khi nó đã thay đổi.

Virus cũng có thể tái tổ hợp, diễn ra khi hai hoặc nhiều biến chủng lây nhiễm vào cùng một tế bào trong cá thể, cho phép chúng tương tác lẫn nhau. Điều này dẫn đến tình trạng trộn lẫn vật liệu di truyền, tạo thành các tổ hợp virus mới.

Một số virus, chẳng hạn cúm, sở hữu bộ gene phân đoạn, có thể trộn lẫn toàn bộ các đoạn riêng lẻ thông qua một quá trình gọi là "phân loại lại". Hiện tượng tái tổ hợp virus khá phổ biến, nhưng tỷ lệ khác nhau giữa mỗi loại, tùy thuộc vào cơ hội đồng nhiễm ở cộng đồng.

Thời kỳ đầu đại dịch, nCoV kém đa dạng về di truyền, các thể tái tổ hợp có xuất hiện, nhưng gần như giống hệt với "virus mẹ". Hơn hai năm Covid-19 lây lan, khi số ca nhiễm toàn cầu cao, tái tổ hợp nCoV xảy ra nhiều, dễ phát hiện hơn so với giai đoạn trước đó. Làn sóng Omicron khiến tỷ lệ lưu hành Covid-19 tăng, tạo cơ hội cho virus đồng nhiễm. Một số biến chủng khác biệt lây nhiễm cho người dân cùng khu vực, khiến các bộ gene tái tổ hợp dễ dàng hơn nhiều.

Phần lớn đột biến không ảnh hưởng đến khả năng truyền virus từ người này sang người khác hoặc gây bệnh nghiêm trọng. Khi một loại virus tích lũy đủ lượng đột biến đáng kể, nó được coi là "dòng phụ" (giống với một nhánh riêng biệt trên cây phả hệ). Tuy nhiên, dòng phụ không được coi là biến chủng riêng cho đến khi tích lũy đủ số đột biến đặc trưng, có thể làm tăng khả năng lây truyền hoặc khiến triệu chứng nặng hơn.

Trong đại dịch Covid-19, Omicron đã lan rộng nhanh chóng, đại diện cho hầu hết ca nhiễm hiện tại, với bộ gene được giải trình tự trên toàn cầu. Omicron có nhiều cơ hội để biến đổi và tích lũy các đột biến cụ thể của riêng mình, từ đó làm nảy sinh vô số dòng phụ, mới nhất là EG.5.

Một số người cho rằng nCoV là loại virus biến đổi "thần tốc". Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tốc độ phát triển của nó được đánh giá là tương đối chậm. Virus cúm đột biến nhanh hơn ít nhất 4 lần. Dù vậy, nCoV có những thời điểm được các nhà khoa học gọi là "chạy nước rút đột biến". Khi đó, virus có thể biến đổi nhanh gấp 4 lần trong vài tuần.

Sau những lần chạy nước rút như vậy, một số biến chủng có lợi thế lây nhiễm cao hơn so với những dòng khác, trở thành biến chủng chủ đạo, chiếm ưu thế.

Phòng Khám Bình Điền

Để được tư vấn thêm, hay đăng ký dịch vụ, xin vui lòng để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ trong thời giam sớm nhất.