Fanpage

Biến chứng thủy đậu nghiêm trọng ở người lớn

Nhiều người cho rằng chỉ trẻ em bị mắc thủy đậu, song bệnh có thể xảy ra và gây biến chứng nghiêm trọng ở nhóm trưởng thành, do diễn tiến kèm bệnh nền hoặc đến viện muộn.

Bệnh nhân nam, 29 tuổi, bị thủy đậu, đi khám lấy thuốc trị tại nhà, hai hôm sau có dấu hiệu khó thở hơn, phải nhập viện. Anh được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, hôm 15/7, trong tình trạng hồng cầu tụt, khó thở, tổn thương da toàn thân, nổi các nốt phỏng, sốt.

"Đây là trường hợp thủy đậu nặng, có biến chứng, suy gan, suy hô hấp, biểu hiện tổn thương. Bệnh nhân có tiền sử bệnh gút, hiện phải điều trị bằng thuốc kháng virus, truyền tĩnh mạch, hồi sức tích cực", PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, cho biết.

Theo ông Cường, gần đây nơi này tiếp nhận nhiều ca mắc bệnh thủy đậu nặng, phải nhập viện, trong đó một trường hợp tử vong. Như người phụ nữ, 28 tuổi, tiền sử viêm cầu thận lupus, mắc thủy đậu nặng, qua đời sau hai ngày nhập viện. Ba tháng trước, trung tâm cũng tiếp nhận nam thanh niên mắc thủy đậu nhưng chủ quan không đi khám, bệnh diễn biến nặng và tử vong.

Thủy đậu thường xảy ra ở trẻ em do không tiêm phòng nên chưa có miễn dịch và lây qua đường hô hấp. Nhiều người lớn vẫn nghĩ rằng chỉ trẻ mới mắc thủy đậu, do đó họ chủ quan khi mắc, dẫn đến những biến chứng khó kiểm soát.

"Người lớn khi mắc thủy đậu thường có biến chứng nặng hơn vì kèm theo bệnh nền, một số người đi khám muộn, hoặc có chẩn đoán nhầm bệnh khác", PGS Cường nói, thêm rằng các trường hợp dễ tăng nặng là người bệnh ung thư, viêm phổi, viêm não, suy gan; người đang phải sử dụng các loại thuốc như corticoid, loại thuốc ức chế miễn dịch để chữa bệnh gút, phổi, thận.

Đặc biệt, phụ nữ có thai cũng dễ mắc biến chứng, virus bùng lên và gây tổn thương nặng. Bệnh nhân có thể tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, một số trường hợp có biến chứng như viêm phổi, viêm não, suy gan, thậm chí suy đa phủ tạng cần lọc máu.

Bệnh thủy đậu do virus Varicella Zoster (VZV) gây nên, có thể xuất hiện rải rác trong năm nhưng bùng phát mạnh nhất vào thời điểm giao mùa, từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm. Yếu tố thời tiết (nắng nóng, mưa giông) cũng có thể làm giảm phản ứng miễn dịch của cơ thể, tăng nguy cơ mắc bệnh.

Virus gây thủy đậu chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp; giọt bắn từ mũi, miệng người bệnh; tiếp xúc trực tiếp quần áo, chăn gối của bệnh nhân; chất dịch khi các bọng nước bị vỡ. Đặc biệt, virus có thể lây cho thai nhi qua nhau thai, gây tình trạng mắc thủy đậu bẩm sinh, hoặc các dị tật. Bên cạnh đó, bệnh gây nhiều biến chứng như viêm phổi, não, điếc, động kinh, chậm phát triển tinh thần vận động.

Thời gian lây bệnh kéo dài, từ trước khi nổi ban đỏ 1-2 ngày đến thời điểm các bọng nước đóng vảy. Hiện không có biện pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh này. Các bác sĩ tập trung giảm nhẹ triệu chứng và giữ bệnh nhân không bị mất nước.

PGS Cường khuyến cáo người dân nên đi tiêm phòng vaccine thủy đậu, không chủ quan nghĩ "bệnh thủy đậu chỉ mắc ở trẻ em, bị vài ngày rồi khỏi". Người lớn cần có ý thức phòng bệnh, khi thấy trẻ em mắc bệnh hoặc người xung quanh mắc, phải có biện pháp đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc vì bệnh lây qua đường hô hấp.

Phòng Khám Bình Điền

Để được tư vấn thêm, hay đăng ký dịch vụ, xin vui lòng để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ trong thời giam sớm nhất.