Biến chủng nCoV mới lây lan nhanh ở nhiều quốc gia
EG.5, còn gọi là Eris, là biến chủng nCoV mới đang lây lan nhanh ở Mỹ và nhiều quốc gia, chưa rõ độc lực hoặc khả năng kháng vaccine.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, ước tính khoảng 17,3% số ca mắc mới trên toàn quốc là biến chủng này, tăng nhanh từ mức 1% vào tháng 5. Trong đợt lây nhiễm mới, hơn 9.000 người phải nhập viện vào tuần cuối tháng 7, tăng từ mức 6.300 - ghi nhận vào tuần cuối tháng 6.
Giống với các biến chủng chiếm ưu thế tại Mỹ trong hơn một năm qua, EG.5 là dòng phụ của Omicron Theo các chuyên gia, hiện chưa có bằng chứng cho thấy EG.5 là nguyên nhân trực tiếp khiến số ca nhập viện nước này tăng. Bên cạnh đó, tỷ lệ nhập viện trong mùa hè này vẫn tương đối thấp, so với đỉnh dịch gần nhất là tháng 12/2022, khi hơn 44.000 người phải điều trị nội trú.
Theo tiến sĩ Dan Barouch, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Virus và Vaccine tại Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess ở Boston, chưa thể kết luận EG.5 gây triệu chứng nặng hơn các biến chủng Omicron khác. Có thể biến chủng này dễ lây truyền so với các phiên bản virus trước đây, song ông cho rằng miễn dịch cộng đồng khiến số ca nghiêm trọng thấp.
"Khi EG.5 và nhiều biến chủng khác xuất hiện vào mùa hè và thu đông tới, số ca nhiễm sẽ tăng, nhưng số ca mắc nghiêm trọng vẫn ít bởi chúng ta đã có hàng rào bảo vệ là miễn dịch cộng đồng", ông nói.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Shan-Lu Liu, giám đốc Cơ quan Nghiên cứu Virus và các Mầm bệnh mới nổi, nói chưa có dữ liệu lâm sàng về triệu chứng phổ biến của EG.5. Tuy nhiên, về lý thuyết, các biểu hiện của nó không khác biệt Omicron, gồm sốt, ho, mệt mỏi, đau cơ và nhức đầu.
Trên toàn cầu, EG.5 chiếm 11,6% số ca nhiễm kể từ giữa tháng 7 đến nay, tăng từ 6,2% so với một tháng trước đó, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). WHO phân loại EG.5 là biến chủng đang được theo dõi, mức độ nghiêm trọng xếp dưới biến chủng đáng quan tâm hoặc biến chủng đáng lo ngại.
Cơ quan Y tế Anh đã bắt đầu nghiên cứu về EG.5.1 - hậu duệ của EG.5. Tính đến 20/7, biến chủng này chiếm 14,5% số ca nhiễm ở nước này. Tại Nhật Bản, số ca bệnh cũng đang tăng lên trong tuần thứ 17 liên tiếp, với 78.502 trường hợp chỉ trong tuần cuối của tháng 7.
Loại vaccine Covid-19 thế hệ hai của Mỹ, phân phối trong mùa thu này, không được thiết kế nhắm mục tiêu vào EG.5. Theo yêu cầu của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), Moderna và Pfizer sử dụng XBB.1.5 để điều chế virus. Đây là biến chủng chiếm ưu thế vào thời điểm đó. Tuy nhiên, loại vaccine mới cũng cung cấp miễn dịch chống EG.5, cả hai chủng cùng là phiên bản của omicron.
"Chúng có các protein gai gần như giống hệt nhau, đó là nền móng của vaccine", Andrew Pekosz, nhà virus học tại Đại học Johns Hopkins, cho biết.
Chủng Omicron xuất hiện trên thế giới đã 19 tháng, hiện lưu hành ở hầu hết các nước và chiếm ưu thế. Chủng này liên tục biến đổi. Đến nay, các nhà khoa học ghi nhận hơn 500 biến chủng phụ của Omicron, đều có đặc tính lây lan nhanh nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng về tăng ca nặng.
Để được tư vấn thêm, hay đăng ký dịch vụ, xin vui lòng để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ trong thời giam sớm nhất.
Bài chung chuyên mục
- Bữa trưa chống lão hóa của tỷ phú Mỹ (04/01/2024)
- Sống sót sau 6 ngày mắc kẹt trong xe tải (03/01/2024)
- Nước đầu tiên cung cấp thuốc miễn phí cho người dân (02/01/2024)
- Liệt dây thanh quản sau khi mắc Covid-19 (23/12/2023)
- Tìm thấy mục tiêu mới điều trị hiệu quả ung thư (22/12/2023)