Fanpage

Ăn nấm đỏ, người đàn ông ngộ độc

Sau ăn cơm với một loại nấm màu đỏ, người đàn ông 37 tuổi đau bụng, nôn, tiêu chảy, bác sĩ xác định ngộ độc nấm.

Các xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho thấy người bệnh rối loạn điện giải, toan chuyển hóa (axit trong máu cao), suy thận cấp, có dấu hiệu tổn thương tế bào gan. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân ngộ độc nấm - suy thận cấp, phác đồ điều trị truyền dịch, dùng than hoạt tính và bù điện giải.

Ngày 23/6, sức khỏe người bệnh ổn định. Ông cho biết mua nấm ở chợ về chế biến ăn với cơm. Dựa vào hình ảnh loại nấm mà người bệnh cung cấp, các bác sĩ nhận định đây là nấm xốp Russula có độc. Loại nấm này hình dáng gần giống với nấm Chẹo đỏ - một loại nấm có thể ăn được, vì vậy người dân rất dễ nhầm lẫn.

Đây là bệnh nhân thứ hai bị ngộ độc nấm mua ở ngoài chợ, điều trị tại Khoa Hồi sức Tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, những ngày qua. Lạng Sơn là tỉnh miền núi, có nhiều loại nấm ở tự nhiên và rất khó phân biệt với nấm độc.

Biểu hiện ngộ độc nấm sau khi ăn là đau bụng, buồn nôn, choáng váng. Nặng thì khó thở, nôn mửa, tiêu chảy, dẫn tới suy thận, suy gan cấp, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Hôm qua, 14 người ở Lao Châu cũng ngộ độc sau ăn nấm lạ hái trong vườn. Hiện, các bệnh nhân đã ổn định sức khỏe, không có trường hợp tử vong, tiếp tục được theo dõi. Từ đầu tháng 6 đến nay, các tỉnh phía Nam cũng xảy ra nhiều vụ ngộ độc nắm, hai người (ở Tây Ninh) tử vong.

Bác sĩ khuyến cáo người dân cần phân biệt các loại nấm, nhận biết nấm độc, sử dụng nấm có nguồn gốc rõ ràng. Khi ăn phải nấm độc và xuất hiện các triệu chứng ngộ độc, cần đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

Bốn loại nấm phổ biến ở Việt Nam nhưng có thể gây ngộ độc là nấm độc tán trắng, nấm độc trắng hình nón, nấm mũ khía nâu xám và nấm ô tán trắng phiến xanh. Cách phân biệt là dựa vào hình dáng và màu sắc.

Phòng Khám Bình Điền

Để được tư vấn thêm, hay đăng ký dịch vụ, xin vui lòng để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ trong thời giam sớm nhất.