2 quốc gia châu Âu đối mặt dịch viêm phổi tương tự Trung Quốc
Đan Mạch và Hà Lan ghi nhận số ca viêm phổi tăng đáng báo động, tương tự tình hình ở Trung Quốc.
Viện Huyết thanh Quốc gia Đan Mạch (SSI) vừa qua cảnh báo về tình trạng gia tăng đột biến của mycoplasma, một loại vi khuẩn gây viêm phổi. Theo dữ liệu từ SSI, đã có 541 trường hợp mắc bệnh được ghi nhận vào tuần trước, tăng 222% so với con số 168 ca cùng kỳ tháng 10.
Tại Hà Lan, Viện Nghiên cứu Dịch vụ Y tế Hà Lan (NIVEL) cũng cho biết số lượng bệnh nhân bị viêm phổi đến khám bác sĩ đa khoa cao hơn dự kiến kể từ tháng 8. Hầu hết bệnh nhân từ 5 đến 15 tuổi. Dữ liệu giám sát cho thấy tỷ lệ mắc bệnh cao gần gấp đôi so với mức đỉnh ghi nhận vào năm ngoái.
Từ ngày 9 đến 16/11, khoảng 103 trên 100.000 trẻ được chẩn đoán viêm phổi, theo NIVEL. Cùng kỳ năm 2022, con số là 58 trên 100.000 em. Dữ liệu từ các bác sĩ đa khoa cũng cho thấy bệnh nhân từ 15 đến 24 tuổi mắc viêm phổi nhiều hơn bình thường. Các ca nhiễm cũng gia tăng ở trẻ dưới 4 tuổi, dù mức độ vẫn thấp hơn so với trước đại dịch.
Song, NIVEL không giải thích nguyên nhân dẫn đến sự tăng giá mạnh mẽ này. Nước này cũng đang ghi nhận số ca mắc cúm, Covid-19 và virus đường hô hấp RSV cao. Cả ba loại virus đều có thể gây viêm phổi.
Theo một số chuyên gia, cụm dịch ở Hà Lan xuất hiện trước cụm dịch Trung Quốc, vốn không được báo cáo cho đến tháng 11. Giáo sư Ian Jones, nhà virus học tại Đại học Reading, cho rằng đây có thể là đợt dịch theo mùa ở địa phương, xảy ra đồng thời với đợt dịch Trung Quốc.
Trong khi đó, các quan chức y tế Mỹ cũng báo cáo khoảng 142 trẻ em đã bị viêm phổi ở Quận Warren, Ohio, từ tháng 8 đến tháng 10 năm nay. Độ tuổi trung bình của những người nhiễm bệnh là 8 và các triệu chứng phổ biến nhất là ho, sốt và mệt mỏi.
Vào tháng 11, giới chức Bắc Kinh báo cáo nhiều ca nhập viện do bệnh đường hô hấp. Một số chuyên gia cho rằng dịch bệnh "bí ẩn ở Trung Quốc có thể đang lan sang châu Âu".
Điều này đã làm dấy lên lo ngại cho các quốc gia khác, bao gồm cả Vương quốc Anh, nơi có thể bị ảnh hưởng trong dịp Giáng sinh. Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) cho biết họ đang "theo dõi chặt chẽ" tình hình. Ấn Độ và Indonesia cũng đã được cảnh báo để kiểm tra xem có bất kỳ đợt bùng phát tương tự nào không.
WHO chính thức yêu cầu thông tin "chi tiết" vào tuần trước, khi số ca nhiễm tiếp tục gia tăng. ProMed - hệ thống theo dõi dịch bệnh toàn cầu và là một trong những nhóm đầu tiên xác định mức độ nguy hiểm của virus Corona - cũng đã đưa ra cảnh báo vào ngày 22/11.
Thực tế, mô hình dịch tễ tương tự đã xuất hiện trên toàn thế giới, khi chính phủ các nước gỡ bỏ hạn chế thời Covid-19 như khẩu trang, giãn cách xã hội và phong tỏa.
Sau hai năm dịch làm gián đoạn sự lây lan của các loại virus điển hình theo mùa, khả năng miễn dịch của cộng đồng giảm xuống. Đây có thể là nguyên nhân mọi người dễ mắc bệnh và nhập viện hơn.
"Vì Trung Quốc trải qua thời gian phong tỏa lâu và khắc nghiệt hơn nhiều so với bất kỳ quốc gia nào khác, khi các lệnh hạn chế được dỡ bỏ, làn sóng dịch bệnh thông thường có thể khá lớn", tiến sĩ Francois Balloux, Đại học College London, cho biết.
Hanne-Dorthe Emborg, một nhà nghiên cứu của SSI, cảnh báo số ca mắc bệnh sẽ còn gia tăng do khả năng miễn dịch chống lại vi khuẩn giảm xuống trong cộng đồng trong thời gian phong tỏa vì Covid.
Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn, virus hoặc các vi sinh vật khác gây ra, làm ảnh hưởng đến các túi khí. Viêm phổi do vi khuẩn hoặc virus sẽ thuyên giảm trong vòng hai tuần. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể diễn tiến nặng hơn, đặc biệt là những người trên 65 tuổi, trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ và người mắc bệnh phổi. Do đó, điều quan trọng là cảnh giác với các dấu hiệu cụ thể để phân biệt nó với các loại virus khác ở trẻ em.
Mặc dù các triệu chứng có thể trùng lặp nhưng chuyên gia khuyến cáo hãy chú ý khi bị sốt cao kéo dài, thở nhanh và co rút lồng ngực. Đồng thời cần quan tâm đến các triệu chứng như ho, đau ngực và khó thở. Thời gian và cường độ của các triệu chứng có thể giúp phân biệt bệnh viêm phổi với các loại virus thông thường khác, chẳng hạn như viêm phế quản.
Tiến sĩ Theobalds, bác sĩ đa khoa tại Pall Mall Medical, cảnh báo nếu các triệu chứng vẫn tồn tại và diễn tiến nặng, cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp. Khi đó, bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm máu và chụp X-quang để đưa ra phác đồ điều trị thích hợp.
Vị chuyên gia nói thêm rằng việc chẩn đoán kịp thời và sử dụng kháng sinh có thể cải thiện cơ hội phục hồi.
Để được tư vấn thêm, hay đăng ký dịch vụ, xin vui lòng để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ trong thời giam sớm nhất.
Bài chung chuyên mục
- Bữa trưa chống lão hóa của tỷ phú Mỹ (04/01/2024)
- Sống sót sau 6 ngày mắc kẹt trong xe tải (03/01/2024)
- Nước đầu tiên cung cấp thuốc miễn phí cho người dân (02/01/2024)
- Liệt dây thanh quản sau khi mắc Covid-19 (23/12/2023)
- Tìm thấy mục tiêu mới điều trị hiệu quả ung thư (22/12/2023)